Cách nấu chè khoai môn lá dứa không chỉ đơn giản mà còn mang lại hương vị thơm ngon, thanh mát, rất thích hợp để thưởng thức vào những ngày hè oi bức. Chè khoai môn lá dứa với hương thơm dịu nhẹ của lá dứa, vị béo ngậy của nước cốt dừa và khoai môn bùi bùi sẽ khiến bạn và gia đình mê mẩn, hãy cùng Chè Phương Thảo khám phá cách nấu món chè này ngay tại nhà nhé!
1. Nguyên liệu chuẩn bị
- 500g khoai môn
- 150g gạo nếp
- Lá dứa
- 200ml nước cốt dừa
- 150g đường
- 2 thìa cà phê bột năng
- Muối
2. Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế
– Gọt sạch vỏ khoai môn, cắt thành các khối vuông khoảng 1cm vừa ăn. Sau đó đem khoai đi rửa sạch rồi ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 15 phút để khoai bớt nhựa rồi vớt ra và để cho ráo nước
– Gạo nếp vo sạch rồi ngâm nước từ 4 tiếng trở lên để nếp mềm và nhanh chín hơn. Nếu có thời gian, bạn nên ngâm gạo từ buổi tối hôm trước.
– Lá dứa rửa sạch, đem đi cắt khúc sau đó cho vào máy xay nhuyễn cùng với 400ml nước rồi để trong tủ lạnh khoảng 15 phút cho phần nước cốt đậm lắng xuống.
Bước 2: Luộc khoai
– Cho khoai vào nồi cùng phần nước lá dứa trong, thêm một thìa cà phê muối và cho nước xâm xấp mặt khoai.
– Bật bếp đun sôi đến khi khoai chín mềm thì vớt ra để khoai không bị nát.
Bước 3: Đun gạo nếp
– Gạo nếp sau khi ngâm thì vo sạch, cho vào nồi xâm xấp nước, thêm lá dứa và một chút muối rồi đun.
– Mở bếp to đến khi nồi sôi thi vặn lửa nhỏ cho đến khi thấy nếp nở thì thực hiện bước tiếp theo
Bước 4: Cho nước cốt lá dứa
– Cho phần nước cốt lá dứa có màu đậm ở dưới để nấu chè, sau khi nếp đã nở thì bạn cho phần lá dứa đó vào và đảo đều tay.
– Thông thường mọi người sẽ ngâm gạo nếp với nước cốt lá dứa nhưng khi nấu màu sẽ bị bay bớt đi. Vì vậy mình sẽ cho nước cốt lá dứa vào ở bước này để thành phẩm có một màu xanh đẹp mắt.
Bước 5: Cho khoai vào
– Sau khi nước cốt lá dứa đã ngấm đều phần nếp bạn tiếp tục cho khoai vào và đảo đều tay.
– Ở bước này bạn chú ý đảo khéo để khoai không bị nát nhé!
Bước 6: Nêm nếm và tắt bếp
– Cho 150g nước cốt dừa vào nồi, thêm vào nửa thìa cà phê muối, 20g đường và nấu đến khi nước cốt dừa sôi lăn tăn thì cho hỗn hợp bột năng hoà tan nước lạnh vào.
– Khuấy đều và đun sôi trở lại, đến khi chè sánh lại rồi thì tắt bếp.
Vậy là bạn đã hoàn thành nồi chè khoai môn lá dứa rồi đó. Bây giờ chỉ cần đợi chè nguội, múc ra bát và rưới nước cốt lên là có ngay một chén chè khoai môn lá dứa ngon tuyệt!
3. Mẹo vặt để món chè thêm ngon
Để hương vị của chè khoai môn lá dứa thêm phong phú và hấp dẫn, bạn có thể thêm một số nguyên liệu như hạt sen, dừa nạo sợi, đậu phộng rang giã nhỏ hoặc thạch rau câu. Khi thêm hạt sen bạn nên chú ý đến thời gian nấu để đảm bảo các nguyên liệu đều chín mềm. Với đậu phộng rang hoặc thạch rau câu thì bạn không cần nấu cùng mà khi nào ăn bạn mới thêm vào.
4. Câu hỏi thường gặp
4.1. Cách bảo quản chè khoai môn lá dứa như thế nào?
Chè khoai môn lá dứa sau khi nấu có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 2-3 ngày. Để bảo quản tốt nhất, bạn nên để chè nguội hoàn toàn trước khi cho vào hộp kín và đặt vào tủ lạnh. Khi muốn dùng, bạn chỉ cần hâm nóng lại trên bếp hoặc trong lò vi sóng. Nếu muốn ăn lạnh, bạn có thể thêm đá bào trực tiếp vào chè. Tuy nhiên, không nên để chè quá lâu vì sẽ làm mất đi hương vị tươi ngon ban đầu.
4.2. Lá dứa có thể thay thế bằng nguyên liệu khác không?
Lá dứa là nguyên liệu quan trọng tạo nên hương thơm đặc trưng cho món chè khoai môn. Tuy nhiên, nếu không có lá dứa, bạn có thể thay thế bằng lá nếp hoặc lá dứa khô. Lá nếp cũng có mùi thơm tương tự lá dứa và sẽ giúp món chè có mùi thơm nhẹ nhàng. Nếu dùng lá dứa khô, bạn nên ngâm nước trước khi sử dụng để lá dứa mềm và tỏa hương tốt hơn. Tuy nhiên, lá dứa tươi vẫn là lựa chọn tốt nhất để món chè đạt được hương vị “hoàn hảo”.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã nắm được cách nấu chè khoai môn lá dứa thơm ngon, bổ dưỡng tại nhà. Món chè này không chỉ giúp giải nhiệt mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy thử nấu và thưởng thức cùng gia đình và bạn bè nhé, chúc bạn thành công!