Cách nấu chè khoai môn nước cốt dừa là một trong những công thức nấu ăn được nhiều người tìm kiếm bởi món chè này không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn rất dễ làm. Trong bài viết dưới đây, Chè Phương Thảo sẽ hướng dẫn bạn từng bước để nấu món chè này từ việc chuẩn bị nguyên liệu cho đến cách thực hiện đơn giản và nhanh chóng ngay tại nhà.
1. Nguyên liệu chuẩn bị
- 1kg khoai môn
- 250g đường
- Nửa thìa cà phê muối
- 1,5 lít nước cốt dừa tươi (vắt ra từ 800g cơm dừa tươi)
- 2 ống vani
- 250g bột năng
2. Các bước nấu chè
Bước 1: Chế biến khoai môn
– Cắt khoai môn thành từng miếng bằng đốt ngón tay.
– Luộc khoai môn trong nồi nước sôi 3 phút rồi vớt khoai môn ra để ráo nước. Không đun lâu vì khoai sẽ bị nát.
– Cho khoai vào một cái bát to rồi cho bột năng vào rồi đảo/xóc đều để khoai bám bột. Sau khi bột đã bám đều thì cho vào một chiếc rổ để rây loại bỏ phần bột thừa.
– Đun sôi nước trong nồi và cho khoai môn vào nấu lại. Nấu cho đến khi lớp bột năng bên ngoài chín thì vớt ra và cho vào tô nước lạnh có đá viên để khoai không bị dính thành cục vào nhau.
Bước 2: Nấu chè
– Chuẩn bị nồi, cho vào 250g đường, nửa thìa cà phê muối, nước cốt dừa, 2 ống vani và 2 thìa canh bột năng.
– Khuấy đều hỗn hợp rồi bắc lên bếp, đun trên lửa vừa và khuấy đều tay để tránh nước cốt dừa bị cháy dưới đáy nồi.
Bước 3: Cho khoai môn vào
– Khi phần nước cốt dừa bắt đầu sôi lên thì bạn vớt phần khoai đang ngâm nước lạnh cho ráo nước rồi cho vào nồi.
– Khuấy đều và nhẹ tay đến khi mọi thứ đã nóng đều thì tắt bếp.
– Không cần đun sôi sùng sục vì nước cốt dừa sẽ bị tách phần dầu, khiến chè không còn độ thơm và độ béo béo của cốt dừa.
3. Bí quyết nấu chè khoai môn nước cốt dừa ngon
3.1. Chọn khoai môn ngon và không bị sượng
Việc chọn khoai môn là bước đầu tiên và quan trọng để đảm bảo món chè của bạn thơm ngon. Khi đi chợ, hãy chú ý chọn những củ khoai môn có vỏ màu nâu đậm, chắc tay và không có dấu hiệu héo hay mềm. Khoai môn tươi sẽ có mùi thơm đặc trưng, khi bổ ra bạn sẽ thấy phần thịt khoai màu trắng pha lẫn các vân tím. Những củ khoai này sẽ có vị ngọt tự nhiên và bùi, khi nấu lên sẽ dẻo, không bị sượng.
3.2. Nấu khoai môn vừa chín tới
Khoai môn được nấu chín tới thì mới giữ được độ dẻo và vị bùi đặc trưng. Bạn có thể kiểm tra độ chín bằng cách dùng đũa xăm thử, nếu đũa xuyên qua khoai một cách dễ dàng mà khoai không bị nát tức là khoai đã chín vừa tới.
3.3. Sử dụng nước cốt dừa tươi
Nước cốt dừa là linh hồn của món chè này, để chè có vị béo ngậy và thơm ngon bạn nên sử dụng nước cốt dừa tươi thay vì nước cốt dừa đóng hộp. Nước cốt dừa tươi có hương vị tự nhiên, béo ngậy và thơm hơn hẳn. Nếu có thể, hãy mua dừa tươi nạo để vắt lấy cốt nhé, đảm bảo sẽ nâng tầm cho hương vị của món chè đó!
3.4. Kết hợp với những nguyên liệu khác
Để món chè khoai môn nước cốt dừa thêm phần phong phú và hấp dẫn, bạn có thể kết hợp thêm một số nguyên liệu khác:
– Một ít đậu xanh nấu chín sẽ làm cho chè thêm bùi và đậm đà.
– Nếu thích chè có độ sánh mịn, bạn có thể thêm bột báng hoặc bột khoai.
– Ngoài ra, thêm một ít lá dứa khi nấu chè sẽ mang lại mùi thơm dịu nhẹ, hấp dẫn.
Với những bước hướng dẫn chi tiết trên, hy vọng bạn đã nắm rõ cách nấu chè khoai môn nước cốt dừa để có thể tự tin thể hiện cho bạn bè và gia đình. Chúc bạn thành công và có những giây phút thưởng thức chè vui vẻ với những người thân!